Chùa Dơi là một trong những ngôi chùa cổ xưa nhất tại Sóc Trăng. Không chỉ nổi tiếng với công trình kiến trúc độc đáo mà chùa Dơi còn nổi tiếng với những điều tâm linh kì bí. Hãy cùng tìm hiểu những câu chuyện tâm linh về chùa dơi trong bài viết dưới đây nhé!
Top các điều kỳ bí về chùa Dơi Sóc Trăng
Tổ dơi lớn nhất Sóc Trăng
Chùa Dơi còn có tên gọi khác là Sêrây tê chô Mahatup theo tiếng Khmer. Theo lời của người xưa thì đây chính là nơi thường hay xảy ra các tranh chấp giữa 2 tầng lớp là nông dân và chính quyền phong kiến. Do đó, khu đất này trở thành chỗ dựa tinh thần của người dân trong thời gian kháng chiến.
Vì tin rằng đây chính là mảnh đất lành nên người dân đã cùng nhau xây dựng nên ngôi chùa và đặt tên là Mahatup – có nghĩa là trận kháng cự lớn. Sau này, xuất hiện tên gọi là chùa Dơi vì nơi đây có hàng nghìn con dơi trú ẩn. Điều đặc biệt là chúng không hề sợ tiếng gõ mõ hay phiền nhiễu bởi khách du lịch.

Hàng nghìn con dơi sinh sống tại chùa
Theo phong thủy và quan niệm của người xưa thì loài dơi đại diện cho sự sung túc và thịnh vượng. Hiện nay, dơi sống tại chùa có hai loại là dơi ngựa Thái Lan và dơi ngựa lớn. Được biết chúng đã xuất hiện từ trước khi chùa được xây.
Dơi là loài rất thích ăn trái cây ngọt nhưng điều kỳ lạ là dơi ở đây không bao giờ ăn quả của chùa. Mặc dù trong chùa có khuôn viên rộng hơn 3 ha có trồng các loại cây ăn quả như măng cụt, sầu riêng, vú sữa.
Cứ đến chiều thì chúng bay đi kiếm ăn đến sáng thì bay về cây trong chùa.

Loài dơi được trở nên yêu mến tại đây
Khi nhắc đến loài dơi, có hình dáng đáng sợ và màu lông đen kịt khiến cho ai nhìn thấy một lần cũng có cảm giác chẳng lành. Tuy nhiên, ở đây người dân cùng các vị sư cho rằng dơi trú ẩn tại chùa là phúc lành, may mắn nên tất cả mọi người đều tích cực bảo vệ bầy dơi.
Dơi trong chùa có trí nhớ cực kỳ tốt, chúng luôn nhớ vị trí của mình, sau khi kiếm ăn trong đêm thì đến sáng về đúng nơi của mình và ngủ ở đó.
Cho đến ngày nay, chưa một ai có thể giải thích được hiện tượng này. Tất cả những điều bí ẩn về loài dơi được truyền từ đời này sang đời khác khiến người ta có niềm tin rằng đây chính là tốt lành của trời ban cho chùa Dơi.

Bí ẩn về những ngôi mộ sau chùa Dơi
Một câu chuyện có thật cho đến nay rằng trong chùa có nuôi lợn 5 móng – thay vì loài lợn bình thường có 3 móng. Lợn 5 móng ở đây được nuôi dưỡng và bảo vệ như một thành viên chính thức của chùa. Thậm chí, khi chết còn được lập mộ, có khu nghĩa trang riêng, trên bia sẽ vẽ hình một con lợn. Điều này khiến không ít người tò mò và tin rằng đó là một điều tâm linh.

Truyền thuyết về loài lợn 5 móng
Theo quan niệm của người Khmer xưa thì lợn 5 móng – được xem như là “khắc tinh” của con người. Chúng có ý nghĩa như điều xui xẻo, bất cứ nhà nào hễ nuôi phải con heo này thì sẽ gặp phải bất hạnh. Họ tin rằng tất cả mọi chuyện là do con heo “thành tinh” này gây ra.
Qua những lời người dân tại đây kể, khi xưa có một người từ vùng khác đến đây sinh sống lập nghiệp. Khi nghe câu chuyện về lợn 5 móng thì người đó đã cười nhạo báng và cho rằng đó là mê tín dị đoan. Để bác bỏ đi câu chuyện đó, ông đã mua về một con lợn 5 móng và ăn thịt, quả báo đến ngay trong ngày hôm sau, ông đã tự té ngay trên đường về và qua đời.
Do đó từ hơn 20 năm trước, khi nhà có heo 5 móng, người Khmer thường gửi gắm đến các nhà sư trong chùa Dơi nuôi dưỡng. Theo sư Tú Linh kể rằng nhà có heo 5 móng không bỏ được heo trong rừng vì nhiều lý do như sợ chúng không tự sinh tồn hay bị người khác làm thịt. Do đó họ phải canh đến chiều tối bỏ trước cổng chùa nhờ chùa nuôi giúp vì sáng có bảo vệ trước cổng nên không dám thả. Vì thương nên các sư trong chùa dần dần cũng nhận nuôi chúng và nếu heo chết thì xây mồ mả và chôn sau chùa.

Những điều cần biết khi đến chùa Dơi
- Bạn có thể di chuyển đến chùa Dơi từ trung tâm Sóc Trăng hướng theo đường Trần Hưng Đạo. Từ vòng xoay di chuyển đến đường Lê Hồng Phong , sau đó đi thẳng qua vòng xoay tiếp theo trên đường Lê Hồng Phong cho đến vòng xoay thứ 3 thì rẽ vào đường Văn Ngọc Chính, đi khoảng tầm 1km nữa là đến được chùa Dơi.
- Thời gian lý tưởng để thăm viếng chùa là vào dịp xuân đến. Vì đây là thời gian náo nhiệt, sôi nổi nhất trong năm. Ngoài ra, bạn còn có thể đến chùa trong đầu tháng 8 âm lịch vì đây là thời gian có số lượng dơi tập trung đông nhất năm. Đặc biệt là trong những ngày từ 15/9 đến 15/10 âm lịch, tại chùa sẽ tổ chức lễ Kathina – trong dịp lễ này người dân sẽ cầu cho mưa thuận gió hòa và thực hiện các hoạt động dâng bông, dâng y cà sa.
- Vì là nơi tôn nghiêm, nên khi đến chùa Dơi, bạn cần ăn mặc nghiêm chỉnh, tránh ăn mặc quá hở hang. Ngoài ra, bạn không được dùng đá hay các vật cứng nhọn để chọi lên những con dơi trong chùa.
- Khi thăm viếng quanh chùa cần giữ trật tự, tránh làm ồn để ảnh hưởng người xung quanh. Chùa là nơi linh thiêng nên tránh chạy nhảy, bình phẩm và khạc nhổ trong Phật điện cũng như các khu vực khác trong chùa.
Và trong bài viết trên, chúng tôi đã cung cấp đến bạn đọc những điều kỳ bí cũng như thông tin cần biết khi đến với chùa Dơi. Hy vọng sẽ giúp cho bạn đọc biết thêm về những câu chuyện thú vị về ngôi chùa này!