Chùa La Hán Sóc Trăng là một trong những điểm du lịch tâm linh nổi tiếng tại Sóc Trăng. Vậy điều gì đã làm ngôi chùa này trở nên thu hút như vậy? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!
Một số thông tin độc đáo về chùa La Hán Sóc Trăng
Ngôi chùa do chính người Hoa xây dựng
Chùa La Hán hay còn gọi là La Hán đàn – là một trong những số ít ngôi chùa do đồng bào người Hoa xây dựng. Chùa thuộc địa phận xóm Cầu Đen, phường 8, thành phố Sóc Trăng. Với ước mong cầu nguyện một cuộc sống ấm no, an lành đến cho người dân nơi đây nên nhiều đồng bào Hoa đã lập nên ngôi chùa này. Vì tại đây ngoài thờ chư Phật còn thờ 18 vị La Hán nên chùa có tên gọi như vậy.
Được biết ngôi chùa này được xây dựng từ năm 1952, thuở sơ khai bắt đầu chỉ với một căn nhà lá vách ván lụp xụp do người Hoa Triều Châu quản lý. Vào năm 1956, nơi này bị bão phá hủy hoàn toàn nên các tín đồ Phật tử đã cùng nhau quyên góp xây nên đền Phật bằng gạch ngói. Mãi cho đến năm 1990, nhờ vào lòng thành của các chư thiện tín đã xây nên được ngôi chùa khang trang, chắc chắn như ngày hôm nay.

Đường đi đến chùa La Hán
Chùa La Hán tọa lạc tại số 131 Điện Biên Phủ, Phường 8, thành phố Sóc Trăng. Vì thế để di chuyển từ trung tâm thành phố Sóc Trăng, nhằm đến được chùa La Hán, du khách cần đi qua cầu Quay theo hướng đường Tôn Đức Thắng, sau đó di chuyển đến đường Đặng Văn Viên, vào tiếp một con hẻm nhỏ là đến nơi.
Chùa La Hán được xây dựng công trình kiến trúc độc đáo
Chùa La Hán sở hữu nhiều công trình kiến trúc độc đáo và mang hơi thở văn hóa của đồng bào người Hoa nơi đây. Bên trong khu chính được xây dựng với 2 tầng. Một tầng trên dành riêng cho việc thờ phụng Phật Thích Ca, Thập Bát La Hán, … Còn tầng dưới là nơi thờ phụng Thiên Hậu Nương Nương, Ôn thần, chư Tiên Cô, …
Phía trong khuôn viên có ao sen được chăm chút vô cùng kỹ lưỡng cùng với đó là các bức tượng công phu về tứ linh – 4 loài vật linh thiêng trong truyền thuyết Long, Lân, Quy, Phụng bên cạnh núi Phổ Đà. Bên cạnh đó còn có công trình mô phỏng Vạn Lý Trường Thành ở Trung Quốc
Bước chân đến nơi đây chúng ta có thể cảm nhận được sự linh thiêng và tâm linh trong ngôi chùa.

Là ngôi chùa theo thiên hướng Phật Giáo Bắc Tông
Chùa Phật Giáo Bắc Tông không chỉ thờ phụng mỗi Phật Thích Ca mà còn thờ phụng nhiều Phật khác. Đặc biệt ở đây là 18 vị La Hán đứng chầu 2 bên trong Đại Hùng bửu điện – vị trí quan trọng nhất của ngôi chùa.
La Hán hay A La Hán (Arahant) là quả vị cuối cùng trong Tứ thánh quả – 4 cấp độ đạt đạo trong Phật Giáo. Mỗi bức tượng vị La Hán sẽ mang những tướng mạo, phong thái khác nhau; có vị thì bụng to; có vị sở hữu đôi lông mày cực kì dài; có vị tai to mũi nhọn; có vị trên khuôn mặt xuất hiện đầy nếp nhăn; … Khi Phật Giáo du nhập vào Trung Quốc, hình tượng 18 vị La Hán dần trở nên quen thuộc trong truyền thống tín ngưỡng của người dân nên họ trở nên yêu thích và bắt đầu phong tục thờ cúng 18 vị La Hán. Điều đó cũng lan rộng đến các nước chịu ảnh hưởng bởi văn hóa Hán học, trong đó đương nhiên bao gồm cộng đồng người Hoa nhập cư.
Tại chùa La Hán, ngoài thờ các chư Phật cùng các vị La Hán trên, chúng ta còn thấy các tượng thờ của các vị thần tiên thuộc Đạo Giáo như Huê Quang Đại Đế, Lý Đạo Minh Thiên tôn, … Ngoài ra, tại hai bên chánh điện còn thờ phụng các vị: Trực Nhật Công Tào, Địa Tạng Vương Bồ tát, Đạt Ma Tổ sư và Quan Công.

Là ngôi chùa không có tăng ni xuất gia
Điều đặc biệt ở đây là tại chùa La Hán không có bất kỳ vị tăng ni xuất gia nào. Do đó, vào các dịp lễ rằm hay tiết của người Hoa, du khách sẽ có cơ hội được chiêm ngưỡng và hiểu biết thêm về các nghi lễ Phật giáo tại đây được tổ chức bởi các cư sĩ tại gia.
Các bản kinh tụng sẽ không như thông thường tại các ngôi chùa khác mà sẽ được tụng đọc bằng tiếng Triều Châu. Du khách sẽ dễ dàng tìm được thanh tịnh, yên bình trong tâm hồn khi lắng nghe được những giai điệu rất riêng kết hợp với sự hòa tấu của giàn pháp khí Phật Giáo đặc trưng của người Hoa chỉ có tại chùa La Hán.

Tổ chức nhiều lễ hội truyền thống trong năm
Hằng năm, tại chùa tổ chức nhiều lễ hội truyền thống thu hút đông đảo khách du lịch, tín đồ Phật tử từ khắp nơi đến thăm viếng. Đông nhất là vào các dịp lễ như Tết âm lịch, rằm tháng Giêng, Vu Lan, Phật Đản, …
Vào lễ Vu Lan, nhà chùa tổ chức nhiều hoạt động tương thân tương ái nhằm cứu trợ và giúp đỡ các hoàn cảnh nghèo khó như phát gạo, lập các quỹ quyên góp.
Vào dịp Tết Nguyên Tiêu hằng năm, chùa đều tổ chức rước đèn Bửu tháp và bánh phước nhằm đem những điều an lành đều người dân ở đây.
Những lưu ý khi đến tham quan chùa La Hán Sóc Trăng
Chùa là nơi tôn nghiêm, linh thiêng nên dù bạn có thăm viếng tại bất kỳ ngôi chùa nào cũng phải lưu ý các điều sau:
- Luôn giữ tâm tịnh, tránh gây ồn ào ảnh hưởng đến mọi người xung quanh cũng như phá đi bầu không khí thanh tịnh tại chùa.
- Ăn mặc kín đáo, lịch sự để tỏ lòng cung kính đến các bậc thánh thần linh thiêng tại chùa.
- Không nên sắm lễ cúng Phật quá khoa trương, quan trọng nhất vẫn là sự thành tâm.
- Đi lại trong chùa nên cẩn trọng tránh mang giày dép hoặc gây ồn ào khi vào Phật đường.
- Không tự ý sử dụng đồ dùng của chùa khi chưa có sự cho phép cũng như tùy tiện quay phim, chụp ảnh tại những nơi cấm.
Đến chùa cần lưu ý giữ tâm thanh tịnh và tránh những điều kiêng kỵ.
Trong bài viết trên, chúng tôi đã cung cấp đến bạn các thông tin bổ ích của chùa La Hán Sóc Trăng. Hy vọng sẽ giúp ích cho quý bạn đọc!