Chùa Vĩnh Hưng là một trong những ngôi chùa đẹp và độc đáo mà du khách tuyệt đối không nên bỏ qua khi đến với Sóc Trăng. Hãy cùng chúng tôi khám phá những nét độc đáo của ngôi chùa này trong bài viết dưới đây nhé!
Những nét độc đáo về chùa Vĩnh Hưng – Sóc Trăng
Chùa Vĩnh Hưng với những cái tên chân chất mộc mạc
Có thể nói Sóc Trăng chính là thiên đường của các tín đồ yêu thích, tìm hiểu về tâm linh Phật Giáo. Bởi nơi đây sở hữu nhiều ngôi chùa mang nhiều sắc thái, nét độc đáo riêng biệt như chùa Sro Luon, chùa Dơi, Bửu Sơn Tự, …
Đồng thời, từ đó chúng ta có thể thấy được sự giản dị, mộc mạc của người dân miền Tây qua những cái tên gọi cho những ngôi chùa trên. Như chùa Sro Luon còn có cái tên khác là chùa Chén Kiểu, Bửu Sơn Tự – chùa Đất Sét.
Tương tự đó, chùa Vĩnh Hưng cũng có cái tên gọi khác là Tổ đình Vĩnh Hưng, chùa Đá vì nguyên liệu xây nên ngôi chùa này chủ yếu là đá. Ngoài ra, một số người dân địa phương còn hay gọi chùa Vĩnh Hưng là chùa Cây Điệp vì trước cổng chùa có cây điệp lớn lâu năm.
Tất cả những cái tên đó đều gắn liền với đặc điểm của chùa nên vô cùng dễ nhớ, khi nhắc đến sẽ gợi lại cho người ta hình ảnh, ấn tượng về ngôi chùa.

Chùa Vĩnh Hưng là ngôi chùa đá độc nhất tại Sóc Trăng
Chùa Vĩnh Hưng nằm tọa lạc tại số 110 đường Trần Hưng Đạo, Khóm 2, Phường 2, Thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng.
Chùa Vĩnh Hưng được xây dựng với vật liệu chủ yếu là đá nguyên khối. Mỗi khối đá ở đây có kích thước với độ dài 0.3m, chiều rộng 0.2m, chiều cao 0,2m. Tất cả công trình bên trong từ cặp sư tử trang trí trước ngôi chánh điện đến sân chùa, cổng chùa, hàng rào, … đều được làm hoàn toàn từ đá. Mỗi hạng mục ở đây đều được chế tác, chạm khắc tỉ mỉ đến từng chi tiết nhỏ nhất tạo nên vẻ đẹp tinh tế.

Lịch sử hình thành lâu đời hơn 100 năm
Cái tên chùa Cây Điệp bắt đầu có từ năm 1912 khi bà Đinh Thị Định – một tín đồ Phật tử. Với cái tâm hướng Phật và mong muốn xây dựng nên một nơi để người dân thể hiện lòng thành tín ngưỡng của mình, bà đã dày công xây dựng Đạo Tràng.
Ngôi chùa được xây dựng với diện tích khuôn viên rộng khoảng chừng 6,800m2. Qua hơn trăm năm, chùa đã trải qua nhiều đời trụ trì đều là những bậc danh tăng như Hòa thượng Thích Trí Bổn, Thượng tọa Thích Thanh Chương, … Cho đến nay, hiện chùa đang dưới sự quản lý của Đại đức Thích Thanh Lập. Chùa được trùng tu 2 lần vào năm 1982 và 2009.

Kiến trúc độc đáo với sự kết hợp giữa phong cách Nhật Bản và Việt Nam
Đây cũng là một ngôi chùa theo trường phái Bắc Tông nên ngoài thờ Phật Thích ca, nơi đây còn thờ phụng một số vị Phật khác. Trong khuôn viên có trồng nhiều cây, hoa làm tăng thêm vẻ xanh mát của ngôi chùa. Trước tiền sảnh có 2 tượng hộ pháp hai bên để canh giữ.
Kiến trúc ngôi giữa chánh điện theo lối kiến trúc tòa tháp Nhật Bản. Chánh điện có không gian rộng với nhiều tảng đá nguyên khối xếp chồng lên nhau, phía trên của mỗi góc mái được chạm khắc hổ phù đặc trưng cũng theo phong cách Nhật Bản.
Chánh điện được xem như là giảng đường và là nơi tập trung đông đảo của các tín đồ Phật Tử vào mỗi nghi thức hành lễ. Đi ra bên sau chánh điện là nhà thờ tổ – là nơi thờ phụng Bồ Đề Đạt Ma, Sư tổ khai nghiệp và các trụ trì, thượng tọa, … nhiều đời của chùa.
Ngoài ta phía sau chùa còn có tháp Phật được xây với 5 tầng, mang ý nghĩa biểu trưng cho 5 triết lý: địa đại, phong đại, thủy đại, hỏa đại và không đại. Xung quanh tòa tháp là hòn non bộ được trang trí bởi nhiều loài hoa lan bắt mắt.

Thượng tọa Thích Thanh Chương và tâm huyết của ông dành cho ngôi chùa
Mặc dù đã qua nhiều đời trụ trì, những khi nhắc đến ngôi chùa, người ta không thể không nhắc đến Thượng tọa Thích Thanh Chương – là Phó trưởng ban Trị sự kiêm Trưởng Ban Giáo dục Tăng ni, đồng Hiệu trưởng Trường Trung cấp Phật học tỉnh Sóc Trăng. Sự khang trang, vững chắc của ngôi chùa cho đến ngày hôm nay là nhờ vào tâm huyết của vị sư này.
Thích Thanh Chương hay còn có tên thật là Trần Đức Lãnh, sinh năm 1965 và mất vào tháng 3/2013, là con trong một gia đình ngụ tại ấp Tổng Cáng, xã Liêu Tú, huyện Long Phú (nay là huyện Trần Đề) tỉnh Sóc Trăng.
Chính ông là người đã đứng ra kêu gọi mọi người quyên góp và cung thỉnh chư Tôn đức trong Thường trực Ban Trị sự tiến hành động thổ đại trùng tu lại ngôi chùa Vĩnh Hưng vào năm 2009. Sau hơn 4 năm bỏ công sức và tâm huyết để xây dựng, ngôi chùa đã cơ bản hoàn thành các hạng mục như: cổng tam quan, nhà thờ, chánh điện, hòn non bộ, tháp, … Tổng kinh phí tạm tính lên đến 9 tỷ đồng.

Tổ chức các lễ hội truyền thống hàng năm
Hằng năm, chùa Vĩnh Hưng tổ chức các buổi lễ văn hóa mang đậm ý nghĩa tâm linh Phật Giáo như lễ dâng Pháp Y Cà Sa trong mùa An cư Kiết hạ hay cúng dường Phật Quan Âm trong ngày thành đạo, …
Ngoài ra, chùa còn thu nhận các vị đệ tử, các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn để lo cho ăn học và tổ chức lễ quy y cho nhiều tín đồ Phật Tử muốn hướng về chánh pháp.

Kết
Chùa Vĩnh Hưng với kiến trúc xây dựng độc đáo có sự pha trộn giữa kiến trúc Nhật Bản và Việt Nam đã và đang dần trở thành địa điểm tâm linh thu hút các tín đồ Phật tử cũng như du khách trong và ngoài nước.